Nhân khẩu Mindanao

Một cuộc điều tra nhân khẩu do Hoa Kỳ tiến hành vào đầu thập niên 1900 ghi nhận rằng cư dân trên đảo "phân chia cao độ về nguồn gốc, tính khí và tôn giáo".[13] Bằng chứng về tính đa dạng văn hóa trên đảo có thể nhận thấy trong các toà nhà và tàn tích của các khu định cư Tây Ban Nha, hay di chỉ các vương quốc cổ.

Hiện nay 25,8% hộ gia đình tại Mindanao tự phân loại là người Cebu. Các dân tộc khác gồm có Bisaya/Binisaya (18,4%), Hiligaynon/Ilonggo (8,2%), Maguindanaon (5,5%), và Maranao (5,4%). 36,6% còn lại thuộc các dân tộc khác. Người Cebu chiếm tỷ lệ cao nhất tại các vùng Bắc Mindanao và Davao với lần lượt là 35,59% và 37,76%. Tại SOCCSKSARGEN, nhóm đông đảo nhất là Hiligaynon/Ilonggo (31,58%), Binisaya/Bisaya (33,10%) tại Bán đảo Zamboanga, Maranao (26,40%) tại ARMM, và Surigaonon (25,67%) tại Caraga.[4]

Tiếng Cebu (còn gọi là Bisayà) là ngôn ngữ được nói phổ biến nhất tại Mindanao. Hiligaynon/Ilonggo được nói phổ biến tại SOCCSKSARGEN và một vài khu vực rải rác trong khu vực. Tiếng Anh và tiếng Tagalog cũng được hiểu và nói phổ biến trong cộng đồng, trong đó tiếng Anh được dùng nhiều trong kinh doanh và hàn lâm. Chavacano là một dạng tiếng lai Tây Ban Nha, được nói phổ biến tại các phần phía tây và phía nam của Mindanao. Zamboangueño là một trong sáu phương ngữ của tiếng Chavacano, là ngôn ngữ của một nhóm dân tộc-ngôn ngữ riêng biệt là người Zamboangueño.

Cơ Đốc giáo là tôn giáo chiếm ưu thế tại Mindanao, chiếm 60,9% số hộ gia đình, đa số họ là tín đồ Công giáo La Mã. Hồi giáo chiếm 20,44%, các giáo phái khác là Phúc Âm (5,34%), Aglipayan (2,16%), Iglesia ni Cristo (1,66%)[4]